Ngọc ốc giác (Melo Pearl)

Ngọc ốc giác hoặc ngọc ốc, tên tiếng anh là Melo Pearl, được tạo ra từ một loài ốc chân bụng thuộc lớp thân mềm sống ở biển thuộc họ Volutidae. Loài ốc này khá lớn và sinh sống ở biển Đông, có thể được tìm thấy tại các vùng biển quanh Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia.

Nov 30, 2021 - 20:16
 0  1558
Ngọc ốc giác (Melo Pearl)
Ngọc ốc giác (Melo Pearl)
Ngọc ốc giác (Melo Pearl)
Ngọc ốc giác (Melo Pearl)

NGỌC ỐC GIÁC

1. Lịch sử quá trình sử dụng và ngưỡng mộ ngọc ốc giác

- Ngọc ốc giác trở thành biểu tượng của sự hoàn hảo trong triết lý Phật Giáo.
Sự tồn tại của loại ngọc có nguồn gốc từ ốc giác đã được nhận biết và ngưỡng mộ bỡi các nền văn hóa và văn minh xưa của khu vực Đông Nam Á như Trung Hoa, Việt Nam, Campuchia, Nhật Bản … Loại ngọc có màu cam lửa tròn hoàn hảo, với cấu trúc sáng lung linh, đẹp tự nhiên; một báu vật tự nhiên không cần con người can thiệp, đã trở nên gần gũi với triết lý Phật Giáo vốn được nhiều người theo ở khu vực này. Ngọc ốc giác đã trở thành một biểu tượng của sự hoàn hảo, và trở thành một trong tám biểu tượng của Đạo Phật. Cả vỏ ốc giác và ngọc của nó trở thành những vật được tôn kính của những người theo Phật Giáo.

- Mô típ rồng và ngọc bừng cháy trở thành mô típ được ưa chuộng của hoàng đế, biểu tượng hoàng đế đang nỗ lực vươn tới danh tiếng về sự hoàn hảo.

Người Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam tin rằng những viên ngọc được tạo ra từ những giọt nước do rồng phun xuống từ trời, vào biển, được hứng vào vỏ mở của những con nghêu, hàu và ốc. Những giọt nước này phát triển thành ngọc, được nuôi dưỡng bỡi ánh trăng rọi xuống biển vào đêm. Vì thế, ngọc ốc giác bừng sáng và rồng đã trở thành chủ đề có mặt khắp nơi trong nghệ thuật trang trí của người Hoa và người Việt, xuất hiện trong hội họa, dệt và đồ gốm. Rồng trong những tác phẩm này là biểu tượng của hoàng đế, đang theo đuổi những viên ngọc, biểu tượng của sự hoàn hảo, một mục tiêu mà các hoàng đế muốn vươn tới. Vì thế, mô típ rồng và ngọc bừng cháy trở thành mô típ ưa thích của các hoàng đế, được tự do mô tả trên các tác phẩm nghệ thuật, ngay cả trên áo bào của nhà vua. Ngọc ốc giác trở thành một báu vật thần thánh, không bao giờ được khoan hay xâu thành chuỗi, mà được bảo quản thành vật sùng bái. Các hoàng đế Việt Nam đánh giá cao những viên ngọc đến nỗi đã phái tàu đi tìm kiếm những báu vật hiếm hoi này ở các vùng nước vịnh Hạ Long và Biển Đông.

2. Sự quý hiếm của ngọc ốc giác

- Ngọc ốc giác rất hiếm nhưng con số về sự xuất hiện của chúng không biết chính xác
Ngọc ốc giác là một trong những loại ngọc tự nhiên hiếm nhất trên thế giới. Ngọc trai venus tím được tin là loại ngọc tự nhiên hiếm nhất, khả năng xuất hiện của chúng được tính toán là một phần 2 triệu. Ngọc ốc giác có nhiều hơn. Tuy nhiên, tính toán tần suất xuất hiện của chúng bằng máy tính là rất khó khăn vì thiếu thống kê. Mới đây, sau một giai đoạn khai thác ốc giác bằng tàu giã cào mạnh mẽ ở Biển Đông ngoài khơi Việt Nam, như một nguồn thực phẩm không phải cho thị trường Việt Nam, mà xuất khẩu qua Trung Hoa, một số lượng đáng kể loại ngọc hiếm này đã xuất hiện. Tuy nhiên, không có số liệu chính xác nào được đưa ra về tần suất xuất hiện của ngọc ở vùng nước này. Ngư dân đưa ra một con số mơ hồ khoảng một trong nhiều ngàn con có ngọc.

- Ngọc ốc giác đã từng cực kỳ hiếm không phải vì ít có ngọc , mà vì khó khăn trong việc khai thác ở vùng nước sâu dưới đại dương

Với ngọc Venus, tần suất xuất hiện ngọc tím được cho là một trong 100.000, trong số các viên ngọc, chỉ một trong hai mươi viên được xem là có đủ chất lượng để làm đá quý, như vậy khả năng là 1 phần 2 triệu. Đây là sự xuất hiện cực kỳ hiếm, hiếm nhất trong tất cả các loại ngọc tự nhiên. Trong trường hợp của ốc giác, ngọc của nó đã từng rất quý hiếm không phải vì ốc giác ít sản sinh ra ngọc, mà bỡi vì những khó khăn trong việc khai thác từ những vùng nước sâu dưới đại dương, thỉnh thoảng sâu tới 70 – 100 mét. Những nước Đông Nam Á không có công nghệ để khai thác ốc ở độ sâu như thế.

- Người phương tây ít biết đến ngọc ốc giác cho đến gần đây, “Sách về Ngọc” của G.F. Kunz xuất bản năm 1908 không nói đến loại ngọc này

Vì thế, loại ngọc ốc giác tuyệt đẹp hầu như không được biết đến ở Phương Tây từ thời cổ xưa cho tới quá khứ gần đây. Ngay cả quyển sách nổi tiếng của George Frederick Kunz xuất bản năm 1908, “Sách về Ngọc”, một quyển sách chính thức về chủ đề ngọc trong một giai đoạn dài, đã không nói đến loại ngọc quý hiếm của vùng Đông Nam Á.

- Ở Miến Điện, trẻ em có thời kỳ chơi bắn bi bằng những viên ngọc ốc giác, cho thấy ngọc ốc giác cũng không quá hiếm ở thời kỳ đó

Ở các làng ven biển, nơi ban đầu chỉ một ít người biết đến giá trị của ngọc ốc giác, trẻ em dùng những viên ngọc này để chơi bắn bi. Đó là dấu hiệu cho thấy có nhiều ngọc ốc giác ở một thời điểm nào đó ở Miến Điện, và cho thấy chúng không quá hiếm ở thời kỳ đó.

- Một câu chuyện ở Việt Nam cho thấy bằng chứng mạnh mẽ về sự hiếm hoi của ngọc ốc giác – Câu chuyện một đầu bếp chế biến và nấu nướng ốc giác 50 năm nhưng không phát hiện một viên ngọc nào
Khoảng tháng năm – tháng sáu năm 2009, các nhà giám định ngọc của GIA, Vincent Pardieu và những người bạn đồng hành Jean Bapstite Senoble và Kham Vannaxay của Pháp, Lou Pierre Bryl của Canada và David Bright của Mỹ, thực hiện một chuyến đi thực địa tới Việt Nam để tham quan và sưu tập một số mẫu từ đá ở Việt Nam, để sản xuất ruby, sapphire và spinel. Trong chuyến đi, họ cũng nắm lấy cơ hội viếng thăm trung tâm mua bán ốc giác của Việt Nam, đảo Cát Bà ở phía bắc, đó là nơi mà tất cả các ngư dân đánh bắt ốc giác từ khắp Việt Nam hướng tới, để bán sản phẩm đánh bắt của họ. Những nhà buôn mua ốc giác của ngư dân, sau đó bán chúng qua Trung Hoa, nơi nhu cầu thịt ốc giác rất cao.

Khi ở Cát Bà, các vị khách viếng thăm khu vực cảng ven đảo nơi có nhiều khách sạn, nhà hàng và các cữa hàng bán đồ lưu niệm cho du khách tọa lạc. Họ phát hiện chỉ có một nhà hàng ở Cát Bà chào bán món ốc giác trên thực đơn, và những con ốc giác sống được nhốt trong bể cá ở lối vào nhà hàng. Ông chủ kiêm đầu bếp của nhà hàng hỏi ý khách về cách nấu những con ốc giác với chuối xanh và gia vị và họ chấp nhận. Các vị khách làm quen với ông đầu bếp và giải thích mục đích của chuyến đi. Ông đầu bếp đã làm nghề này gần 50 năm, nấu nướng hàng ngàn con ốc giác trong quãng thời gian đó, rất ngạc nhiên khi nghe nói thỉnh thoảng có ngọc bên trong ốc giác. Ông thừa nhận trong giai đoạn dài rửa và chế biến ốc giác ông chưa bao giờ nhìn thấy một viên ngọc bên trong một con ốc giác nào. Sự thật, đây là lần đầu ông đầu bếp nghe nói đến khả năng có ngọc quý hiếm bên trong những con ốc này. Sẽ như thế nào nếu ông đầu bếp nói với những vị khách từ GIA những điều không đúng, điều này có thể xảy ra, nhưng không có lý do nào để ông phải giấu giếm sự thật là ông có phát hiện ngọc từ ốc giác, câu chuyện cho thấy bằng chứng mạnh mẽ về sự hiếm có của ngọc ốc giác.

- Ông Đức, một thợ lặn của hải quân trước đây, người trong đời mình nhìn thấy hàng ngàn con ốc giác, nhưng chỉ một con có ngọc, một bằng chứng về sự hiếm có thật sự

Trong khi ở Cát Bà, ông Vincent Pardieu và các bạn đồng hành của mình cũng gặp ông Đức, một ngư dân Việt Nam ở tuổi ngoài 50, trước đây là thợ lặn của hải quân, người kể là một người bạn của ông, ông Trí, một ngư dân địa phương đã phát hiện một viên ngọc ốc giác rất đẹp vào năm 1994, từ một con ốc giác mà ông bắt được khi ông lặn ở vịnh Hạ Long, gần bờ biển. Hai người họ rất kinh ngạc với kích thước của con ốc giác mà ông Đức mô tả là nó lớn bằng chiếc nón và nặng khoảng 8 ký, quá lớn so với khu vực mà chúng được phát hiện, nơi ốc giác thường rất nhỏ. Khi ông Trí đang rửa con ốc giác để nấu, thì một phát hiện thú vị nữa đến với họ. Một viên ngọc tròn màu cam lớn cực kỳ đẹp xuất hiện bên trong thịt của con ốc giác. Ông Đức nói đường kính của viên ngọc khoảng 2 cm, và đang tỏa sáng, một bằng chứng rõ ràng về cấu trúc bừng cháy của nó. Ông Đức nói ông Trí giữ viên ngọc, nhưng không chắc bây giờ ông còn sở hữu hay không. Ông nói thêm rằng ông chưa bao giờ thấy hay nghe về bất kỳ một viên ngọc ốc giác nào nữa ở vịnh Hạ Long, trong sáu năm ông làm thợ lặn, và từ khi ông về hưu năm 2002, ông Đức như là một thợ lặn đã nhìn thấy hàng ngàn con ốc giác, nhưng ông chỉ thấy một viên ngọc. Điều đó là một bằng chứng nữa cho thấy sự hiếm hoi của ngọc ốc giác.

- Sự khai thác ốc giác quy mô lớn của Việt Nam bắt đầu từ thập kỷ 1990 dẫn tới sự gia tăng đáng kể số lượng ngọc ốc giác ở thị trường thế giới.

Vào đầu những năm 1990, Việt Nam bắt đầu khai thác nhiều ốc giác bằng các tàu giã cào ở các vùng nước xung quanh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông, đảo Bạch Long Vĩ thuộc vịnh Hạ Long, đảo Phú Quốc gần biên giới Campuchia. Những chiếc tàu dùng các thiết bị cào dưới đáy biển, gồm một khung kim loại có những chiếc răng đào bên dưới lớp bùn cát để bắt các loài sò ốc, và một túi lưới để chứa sản phẩm đánh bắt. Những chiếc cào bằng thủy lực bắn các tia nước mạnh vào đáy biển để nhổ bật các loài mục tiêu lên cũng được sử dụng. Ngay cả những chiếc cào được cải tiến để tiếp cận những con ốc giác sống sâu tới 70 đến 100 mét nước, họ đã gây ra những thiệt hại đáng kể cho vùng biển sâu, ví dụ như làm thay đổi cấu trúc đáy biển, các thành phần hóa chất và tự nhiên của lớp đáy, và làm mất ổn định hệ sinh thái đáy biển.

Sự khai thác mạnh mẽ bằng các tàu giã cào vào những năm 1990 và sau đó từ năm 2000 đến 2009, đã làm tăng một số lượng ngọc ốc giác đáng kể có xuất xứ từ Việt Nam vào thị trường ngọc thế giới. Tuy nhiên, các nhà sinh học biển đã cảnh báo rằng, việc đánh bắt ốc giác bằng các tàu giã cào, vốn gây ra nguy hại cho hệ sinh thái của ốc giác, sẽ làm giảm sản lượng của chúng, và tàn phá nguồn lợi ốc giác, gây ra sự khai thác trong tương lai không có hiệu quả và không bền vững. Điều này dường như đã xảy ra rồi, cả hai điều phản ảnh trong việc giảm năng suất và trọng lượng ốc giác nhỏ hơn. Vòng đời trung bình của ốc giác chưa được biết chính xác, nhưng người ta tin là hàng thập kỷ. Do đó, ngay cả nếu đủ lượng ốc giác khai thác, để cho số lượng ốc giác tiến đến mức độ và kích thước bình thường cũng mất đến vài thập kỷ.

III. GIÁ CỦA NGỌC ỐC GIÁC

1. Sự nổi tiếng của ngọc ốc giác

- Sự nổi tiếng trên phạm vi thế giới của ngọc ốc giác trong thời gian gần đây được cho là do nỗ lực của ông Benjamin Zucker, một cây bút kiêm nhà buôn đá quý ở New York

Mặc dù ngọc ốc giác đã được nhận biết và ngưỡng mộ ở vùng Đông Nam Á từ thời xa xưa, sự nổi tiếng một cách đột ngột của nó ở quy mô thế giới chỉ có nguồn gốc mới đây, được cho là nhờ nhà buôn đá quý New York kiêm cây bút Benjamin Zucker.

Sự khai thác mạnh mẽ bắt đầu vào thập niên 1990, và một số lượng đáng kể ngọc ốc giác được phát melo_pearls_8hiện ra. Năm 1993, một bộ sưu tập gồm 23 viên ngọc màu cam lửa, có lẽ được mua từ Việt Nam của một nhà buôn Thụy Sĩ được gởi cho ông Benjamin Zucker để đánh giá. Sự thật là nhà buôn trên đã để lại những viên ngọc ở chỗ ông Zucker để nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Ông Zucker tiếp xúc với một người bạn của ông, Kenneth Scarratt, thuộc Viện Đá Quý Mỹ, người sau này trở thành giám đốc GIA ở Bangkok. Ông Scarratt với kiến thức khổng lồ và kinh nghiệm với tất cả các loại ngọc, và là tác giả của quyển sách “Ngọc và Rồng”, lần đầu tiên tường thuật tỷ mỷ về ngọc ốc giác, nhận ra ngay những viên ngọc này có xuất xứ từ Việt Nam. Ông Zucker, cũng là một người mê ngọc, và rất quan tâm đến việc tìm hiểu nhiều hơn về những viên ngọc tuyệt đẹp quý hiếm này, đã tập hợp một nhóm nhỏ gồm những nhà nghiên cứu đá quý, các học giả và nhà văn, cùng đến Việt Nam, với quan điểm ghi lại tất cả những dữ liệu có sẵn về loại ngọc này, bao gồm nguồn gốc của chúng và sự phân bố của loài nhuyễn thể trong đó chúng được tạo ra. Chuyến đi lịch sử của ông Zucker đến Việt Nam là khởi nguồn của một bài báo năm 1997 về ngọc ốc giác trên tạp chí Smithsonian, thúc đẩy sự nổi tiếng mạnh mẽ của loại ngọc này.

- Giá kỷ lục được thiết lập bỡi một viên ngọc ốc giác màu cam lửa tại nhà đấu giá Christie’s ở Hong Kong tháng 9 năm 2009

Người ta tin rằng chuyến thám hiểm của ông Zucker đến Việt Nam và bài báo tiếp theo ở tạp chí Smithsonian, đặt cơ sở cho giá kỷ lục được đăng ký cho ngọc ốc giác tại nhà đấu giá Christie’s ở Hong Kong tháng 11 năm 1999. Viên ngọc màu cam lửa gần như hình cầu có đường kính 23,0 x 19,35 mm, bán được giá kỷ lục cho riêng một viên ngọc, là 488.311 đô la. Giá tính toán trước khi bán chỉ là từ 20.000 – 30.000 đô la. Sự đấu giá mạnh mẽ bất ngờ này tạo ra giá cao gấp 16 lần so với mức cao dự tính trước đó, một khuynh hướng được cho là do tác phẩm của ông Zucker.

- Lần bán đấu giá thứ hai tại nhà đấu giá Christie’s Hong Kong vào tháng 4 năm 2000 với giá rẻ hơn nhưng vẫn rất hấp dẫn

Vào tháng 4 năm 2000, nhà đấu giá Christie’s tổ chức đấu giá bán một viên ngọc ốc giác màu cam lửa và gần như hình cầu nữa. Viên ngọc này lớn hơn (31,7 x 31,26 mm) và đẹp hơn viên ngọc có giá kỷ lục vào tháng 11 năm trước. Để giữ mức giá theo phiên đấu giá trước, nhà đấu giá đặt mức giá khởi điểm 150.000 – 200.000 đô la. Tuy nhiên, mức giá được bán tại phiên đấu giá là 277.272 đô la, cao hơn mức cao trước khi bán là 77.272 đô la.

- Ảnh hưởng sau hai phiên đấu giá kỷ lục của ngọc ốc giác

+ Những nỗ lực gia tăng sản xuất ngọc ốc giác để kiếm tiền nhờ sự nổi tiếng của nó.
Giá cao ngất ngưởng có được từ hai phiên đấu giá của Christie tổ chức ở Hong Kong trong năm 1999 và 2000 là tin tốt cho những người tìm kiếm ngọc của Việt Nam, và tất cả các nước khác trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, nơi ốc giác được phát hiện và khai thác. Ở Việt Nam, sự khai thác ốc giác tiếp tục với sự mãnh liệt mới tạo ra sự gia tăng đáng kể số lượng ngọc. Miến Điện, Thái Lan và Campuchia quan tâm nhiều hơn đến nguồn lợi ốc giác của họ. Ở Miến Điện, các tàu đánh cá gọi là “Wa-lat” hay “Gar” bắt đầu khai thác mạnh mẽ đáy biển bùn ở độ sâu 30 đến 50 mét, dọc theo bờ biển Arakan và khu vực phía nam Dawei (Tavoy), quần đảo Mergui, và Kawthaung ở biển Andaman, gần Thái Lan. Kết quả là số lượng ngọc ốc giác tăng lên đáng kể trên thị trường thế giới. Ở Thái Lan, ốc giác được khai thác phụ với cua từ vịnh Thái Lan, tuy nhiên sản lượng ngọc không đáng kể.

+ Sự tham gia của các bộ sưu tập ngọc ốc giác cũ vào thị trường.

Ngoài ra, ngọc ốc giác từ các bộ sưu tập tư nhân ở Châu Á cũng tham gia vào thị trường. Những người chủ của các bộ sưu tập này cũng háo hức kiếm tiền nhờ sự bùng nổ giá ngoài mong đợi. Kết quả là sự tràn ngập ngọc ốc giác trên thị trường với đủ loại kích cỡ, hình dáng và màu sắc, nhưng không có chất lượng cao nhất. Kết quả cuối cùng của chuỗi phản ứng dây chuyền này là sự sụt giá mạnh, từ hàng trăm ngàn xuống hàng chục ngàn đô la.

+ Giá cả được nâng cao của ngọc ốc giác tạo động lực thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu nuôi những quả cầu lửa độc đáo và hiếm có của tự nhiên.

Động lực từ giá cả được nâng cao của ngọc ốc giác rất lớn, nhiều nước bắt đầu đầu tư để nghiên cứu nuôi ốc giác lấy ngọc. Một trong những người tiên phong là Suraphol Chunhabundit, nhà sinh học biển ở Đại học Chulalongkorn ở Băng cốc, làm việc tại Trạm huấn luyện và nghiên cứu khoa học biển Sichang ở tỉnh Chonburi thuộc vịnh Thái Lan. Người ta tường thuật rằng ông đã thành công một phần trong việc nuôi ngọc ốc giác bằng cách cấy nhân tế bào của Pigtoe mussel vào ốc. Tuy nhiên, nghiên cứu của ông không được xuất bản, và nghiên cứu vẫn đang tiếp tục thì ngân quỹ cho dự án của ông bị chấm dứt đột ngột. Những nỗ lực nuôi không chỉ ngọc bên trong ốc giác, mà còn ngọc xà cừ bên trong loài Stombus gigas chỉ có kết quả hạn chế ở những nơi khác của thế giới. Lý do chính của thất bại này là sự khó khăn trong việc tiếp cận khu vực tạo ngọc của ốc để cấy vì cấu tạo kỳ lạ của loài chân bụng một mảnh vỏ.

2. Tiếp thị ngọc ốc giác

Ngoài việc bán đấu giá thường xuyên của hai nhà bán đấu giá quốc tế nổi trội nhất, Christie’s và Sotheby’s ở Hong Kong, nơi những viên ngọc ốc giác có chất lượng hàng đầu thỉnh thoảng xuất hiện, và có được giá hoàn toàn hấp dẫn, ngọc ốc giác sản xuất ở vùng Đông Nam Á, cuối cùng cũng tìm đường đến một trung tâm tiếp thị khác của khu vực cho tất cả các loại đá quý. Băng Cốc, Thái Lan, là nơi những viên ngọc quý hiếm này được đấu giá thường xuyên và có những người trả giá cao nhất.

3. Tương lai của ngọc ốc giác?

Việt Nam là nhà sản xuất chính ngọc ốc giác ngày nay trên thế giới, theo sau là Miến Điện. Sự khai thác với sự mãnh liệt mới, do sự nổi tiếng của ngọc ốc giác, chắc chắn có ảnh hưởng nghiêm trọng đến số lượng của ốc giác. Người ta cho biết ốc giác ở Việt Nam đã nhỏ hơn và hiếm gặp hơn. Đây là kết quả hiển nhiên, vì vòng đời dài của ốc giác, và thiếu nguồn cung cấp ốc giác nhỏ. Nguồn ốc giống thiếu hụt vì số lượng ốc lớn đã bị tàn phá. Ngay cả khi có đủ lượng ốc giống, thời gian để cho ốc sinh sống đến giai đoạn thành thục cũng không đủ. Khi ốc bị đánh bắt nhỏ thì ngọc trong ốc cũng nhỏ, vì ngọc trong ốc phụ thuộc vào kích thước của ốc. Vì vậy, nếu sự khai thác ốc giác không được tiến hành theo phương pháp và có kế hoạch, cung cấp cho ốc đủ thời gian để sinh sản và sinh trưởng, tương lai của ngành ngọc ốc giác tự nhiên sẽ rất yếu ớt. Ngọc sẽ hiếm hơn và đắt đỏ hơn, và cuối cùng sẽ biến mất trên thị trường thế giới.

Đây chính là những gì xảy ra với ngành công nghiệp ngọc tự nhiên ở Venezuela, Columbia và Panama trong thời gian là thuộc địa của Tây Ban Nha. Ngọc được phát hiện bỡi Christopher Columbus về cuối thế kỷ 15 bị khai thác hoàn toàn và cạn kiệt trong 150 năm, và ngành này bị từ bỏ vào giữa thế kỷ 17. Một ví dụ nữa trong lịch sử đến từ vịnh Mannar, ở Sri Lanka (Ceylon), một trong những nguồn ngọc tự nhiên lâu đời nhất thế giới, nơi sự khai thác một cách bền vững dùng phương pháp truyền thống liên tiếp trong 2.000 năm, không tàn phá nguồn lợi, nhưng sau khi bị thực dân hóa bỡi Bồ Đào Nha (1505 – 1656), Hà Lan (1656 -1796), và Anh (1796 – 1948), và sự khai thác rầm rộ tiếp theo, đã phá hủy ngành ngọc tự nhiên vào năm 1906, chẳng bao giờ khôi phục lại được.

IV. VIÊN NGỌC ỐC GIÁC HOÀN HẢO VÀ LỚN NHẤT THẾ GIỚI

Những viên ngọc ốc giác được tạo ra bên trong loại ốc giác Melo Melo sống ở biển, nó còn được gọi là Indian Volute, Bailer Snail, và Melo Amphora.

Vì chúng được tạo thành bỡi những tinh thể aragonite, không phải xà cừ, ngọc melo về mặt kỹ thuật không phải là một loại ngọc đúng nghĩa, nhưng cũng được gọi là ngọc.

Ở đây, bạn có thể thấy kích thước của viên ngọc melo hoàn hảo nhất tròn nhất lớn nhất thế giới, so với một quả bóng bàn.

Cam là màu được ưa chuộng nhất của ngọc melo, nhưng màu sắc có thể từ màu nâu vàng nhạt tới nâu thẫm.

Sau khi Desmond, từ Việt Nam, liên lạc với tôi về một viên ngọc melo lớn, tôi bắt đầu tìm hiểu ngọc melo và phát hiện ra viên ngọc melo hoàn hảo nhất, tròn nhất, lớn nhất của thế giới và đã tiếp xúc với ông Ray Chen để xin phép sử dụng các tấm ảnh và thông tin của ông về viên ngọc Melo to lớn này.

Đường kính: 37,97 – 37,58mm.

Nặng: 397,52 cts.

Màu: Cam

Bề mặt: Nhẵn

Độ cầu: Gần như hình cầu

Thời gian tạo ngọc: Hàng trăm năm

Độ sáng: Sáng

Đặc tính: Loại không xà cừ

Chứng nhận: AISG ngày 26/12/1996 bỡi tiến sĩ Ken Scarrett.

Ngọc melo, được phát hiện trên Biển Đông và vịnh Bengal, cực kỳ hiếm.

Ông Chen không chắc chắn viên ngọc có xuất xứ từ đâu, nhưng, khoảng mấy mươi năm trước, người chủ viên ngọc mua nó từ một người Việt Nam trông có vẻ là một nhà quý tộc đang tuyệt vọng.

Theo người bán Việt Nam, viên ngọc melo hoàn hảo nhất tròn nhất lớn nhất thế giới và một viên ngọc lớn thứ hai (khoảng 32mm) là cặp song sinh. Thông tin này có ở Viện bảo tàng Smithsonian.

Song sinh có nghĩa là chúng ở cùng chung một con ốc giác. Và khoảng 4 đến 5 năm trước, điều này đã được chứng nhận bỡi Công ty đấu giá Christie’s, những người đã cố bán đấu giá viên ngọc lớn thứ hai trong một cuộc đấu giá ở Hong Kong (ông Chen có tham dự phiên đấu giá này).

Viên ngọc melo hoàn hảo nhất tròn nhất lớn nhất thứ hai thế giới xuất hiện ở triển lãm ngọc Thái lan tháng 9 năm 2006.

Theo ông Chen, không thể phát hiện ra một viên nào giống như thế này nữa. Đó là bỡi vì nó phải mất hàng trăm năm để tạo ra một viên ngọc trong một con ốc giác. Ốc giác rất hiếm để tìm thấy ngọc trong đó.
Ban đầu, cựu hoàng tử Yugoslavia – phó chủ tịch – ông Domitri Karageorge ở Sotheby đề nghị không bán đấu giá và ông trả 5 triệu đô cho Sotheby Đài Loan khoảng 3 năm trước. Sau đó, ông nâng lên 7 triệu đô sau khi ông từ Đài Loan trở về Mỹ. Tuy nhiên, người chủ không chấp nhận (Viên ngọc này hiện nay đã được bán!).

Những nỗ lực nuôi ngọc melo không thành công, vì thế mọi viên ngọc melo đều là ngọc tự nhiên … một món quà tuyệt vời của tự nhiên, và không giống như những loại ngọc tự nhiên khác, nó hầu như tròn.

Nguồn: Đá Quý Tự Nhiên Labit Stone