Chơi đá phong thủy, không cẩn thận sẽ ‘rước hoạ’
Theo GS.TSKH Phan Trường Thị, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đá quý, vàng và trang sức Việt Nam, chơi đá phong thủy cũng lắm kỳ công, không phải loại đá nào và đặt ở vị trí nào cũng tạo ra phong thủy tốt đẹp. Không có hiểu biết mà chơi đá theo kiểu "thấy người ta bảo" dễ rước họa.

Đá nên kết hợp với cây, hoa
Theo GS.TSKH Phan Trường Thị, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đá quý, vàng và trang sức Việt thì nhìn vào khối đá trưng bày có thể biết ngay trình độ của gia chủ. Không nên chơi đá kiểu "thấy người ta bảo" vì không cẩn thận sẽ rước họa. Để chơi đá phong thủy, đòi hỏi người chơi phải có kiến thức, hiểu biết nhất định.
GS Phan Trường Thị cho rằng, ngày Tết là ngày bè bạn tập hợp từng nhà, từng góc sân, từng mảnh vườn để tâm tình, chia sẻ, hội tụ, gặp gỡ. Vấn đề bài trí đá phong thủy thì không chỉ riêng ngày Tết. Nhưng Tết là mùa xuân, có nhiều hoa, cây lá. Chơi đá phong thủy mà kết hợp với cây, với hoa thì sẽ tạo ra một điều rất đẹp. Trong gia đình, việc bố trí sắp xếp các đồ vật trang trí nên kết hợp giữa đá với hoa, cây, sẽ tạo ra một không gian vừa đầm ấm, vừa sang trọng.
Theo GS.TSKH Phan Trường Thị, nghệ thuật phong thủy chính là nghệ thuật sắp xếp. Cùng là cái cốc, sắp xếp kiểu này đẹp, nhưng kiểu kia thì không. Vấn đề cốt lõi của phong thủy là sắp xếp như thế nào để dẫn đường gió và đường nước đi như thế nào là phù hợp với con người. Ví dụ một ngôi nhà có 3 cái cửa liền nhau thẳng hàng thì sẽ tạo ra gió lùa, gió này rất độc. Nên giữa cửa thứ nhất và thứ 2, giữa cửa thứ 2 và thứ 3 để một tấm đá để dẫn luồng không khí này qua đường khác, tránh gió lùa cho gia chủ, bảo vệ sức khỏe.
GS Thị ví dụ tiếp, về nước (thủy), giả sử như có một cái sân rộng, một cái vườn với dòng nước chảy bên cạnh nhà hoặc dòng nước ngầm dưới đất, hoặc dòng nước lưu thông trong nhà… đều cần phải có yếu tố tác động của con người, dẫn hướng chảy đó như thế nào cho hợp lý để không tạo ra sức khỏe xấu cho con người.
"Nghệ thuật trưng bày đá phong thủy mang tính chất dẫn dòng nước, dòng gió để tránh gió độc, tránh dòng nước không thích hợp, mang lại sức khỏe tốt cho con người. Nhiều khi chỉ một viên đá cũng có thể dẫn dòng gió, nước sang hướng tốt hoặc xấu cho con người. Bởi vậy chơi đá phong thủy mà không có hiểu biết thì rất dễ "rước họa", GS.TSKH Phan Trường Thị cho hay.
GS Thị cho rằng, chơi đá phong thủy cũng giống như chơi bonsai, phải có trình độ nhận thức xã hội nhất định. Ví dụ nhìn vào bonsai Nhật Bản, Trung Quốc là người ta nhìn thấy văn hóa dân tộc trong đó. Cây cảnh Việt Nam chủ yếu là loài cây nhìn thấy rễ, lá đầy đủ, phù hợp với triết lý chỉ có ở Việt Nam là "uống nước nhớ nguồn".
Trong khi đó bonsai ở Nhật Bản, Trung Quốc chú ý về hình dáng cây hơn là triết lý đạo đức như Việt Nam, "uống nước nhớ nguồn", có rễ thì có cành tốt. Chơi đá phong thủy phải biết kết hợp giữa cây và đá, lá, hoa với đá. Đó là những yếu tố thiên nhiên, nếu kết hợp một cách khoa học thì có thể tạo nên những vườn cảnh, những ngôi nhà đẹp.
Những loại đá nên trưng bày
Những loại đá nên sắp xếp trong căn hộ, khu vườn thì có rất nhiều. Chất liệu đá là yếu tố quan trọng nhất, nói lên mức độ nhận thức, mức độ sang trọng, quý phái hoặc bình dân của người dùng. GS Phan Trường Thị ví dụ, tại một điểm tín ngưỡng ở Hà Nội người ta trưng bày mấy khối đá đen thui, đây là đá đen vứt đầy ở Ninh Bình. Nó không xứng đáng nằm ở một vị trí linh thiêng, lịch sử. Đá tốt hay xấu, có xứng tầm hay không thì phải hiểu về chất đá.
"Hay ở trước cổng UBND một quận cũng để một cục đá đen sì với hình dáng dễ liên tưởng đến hình đầu lâu. Vậy là chất đá xấu, lại cộng với hình dáng xấu nữa thì không thể có phong thủy đẹp được", GS Phan Trường Thị nêu ví dụ.
GS.TSKH Phan Trường Thị cho biết, đá vôi nhưng kết tinh thành màu trắng thì rất quý. Đá ngọc mã não có đầy đủ màu sắc, trong suốt và rất bền, xứng đáng đặt ở các vị trí trang trọng là loại đá nên dùng trong đá phong thủy. Những loại đá đen là loại bình dân và thấp cấp, không nên dùng.
Tâm trạng của bạn với nội dung này là gì?






