Nhọc nhằn nghề 'thổi hồn' vào đá

Bằng sự khéo léo và tỉ mỉ, những người thợ ở làng điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) đã "thổi hồn" và biến những tảng đá thô sơ trở thành những tác phẩm nghệ thuật.

Feb 6, 2021 - 21:50
 0  45
Nhọc nhằn nghề 'thổi hồn' vào đá
Công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn của những nguời thợ

Nghề cần sự tỉ mỉ và kiên nhẫn

Làng điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước được hình thành từ hàng trăm năm nay, là làng nghề nổi tiếng của TP Đà Nẵng với nhiều sản phẩm đá mỹ nghệ.

Người thợ ở đây có thể làm bất cứ thứ gì chứ không bó buộc trong một loài hình sản phẩm cụ thể nào.

Bằng sự khéo léo và tỉ mỉ, những người thợ ở làng điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) đã biến những tảng đá thô sơ trở thành những tác phẩm nghệ thuật.

Vừa đến đầu làng, PV đã nghe thấy tiếng đục đẽo chan chát, tiếng máy cắt đá rền rền chói tay và xunh quanh bao phủ bởi màu trắng bạc phếch của bột đá.

Anh Ngô Tuấn Anh (sinh 1979, trú phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) đang cặm cụi, tỉ mỉ đục đẽo khuôn mặt của pho tượng cho biết, đã gắn bó với công việc đã 10 năm nay.

Công việc tạc tượng khá vất vả, để hoàn thành một bức tượng, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn và tốn rất nhiều thời gian có khi phải mất đến 3-4 tháng.

Công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn của những nguời thợ

"Trong các công đoạn làm nên bức tượng thì làm mặt tượng là khó nhất, bởi đây là "cái hồn" của tượng. Vì thế, người thợ phải cẩn thận, tỉ mỉ từng chi biết để làm cho sao bức tượng hài hòa nhất, đồng thời cũng phải giữ cho mình sự bình tĩnh, nghiêm túc. Chỉ một chi tiết bị méo mó có thể đánh mất đi vẻ đẹp của tượng", anh Anh chia sẻ.

Là người gắn bó với nghề hơn 30 năm nay và hiện là chủ cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ, ông Mặc Như Thìn (sinh 1963, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) cũng cho biết, nghề này đòi hỏi người làm phải có tính kiên nhẫn mới có thể trụ được với nghề.

Để hoàn thiện một tác phẩm, người thợ cần rất nhiều thời gian và trải qua nhiều công đoạn

"Những sản phẩm điêu khắc cần sự tỉ mỉ của người thợ, sự nhiệt huyết và đam mê. Người thợ cũng phải không ngừng học hỏi để đáp ứng với yêu cầu của khách hàng", ông Thìn nói và cho biết, để "thả hồn" vào bức tượng đòi hỏi người thợ phải có tay nghề và tính mỹ thuật cao.

Nghề vất vả

Vào nghề cách đây hơn 15 năm, bài học đầu tiên của anh Hoàng Văn Bằng (sinh 1984, trú phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) là công việc xẻ đá và ra phôi. Thời gian đầu, để có thể học và hoàn thiện một tác phẩm quả không dễ dàng gì đối với anh Bằng.

"Làm nghề này phải yêu nghề, có năng khiếu hoa tay mới làm được. Ngày trước, chỉ làm bằng thủ công nên để xong một sản phẩm phải mất rất nhiều thời gian. Ngày nay với sự hỗ trợ của máy móc nên làm nhanh hơn. Tuy nhiên, không phải chi tiết nào cũng có thể dùng máy mà vẫn cần bàn tay khéo léo của con người", anh Bằng cho biết.

Sản phẩm của làng nghề hết sức đa dạng và phong phú. Người thợ ở đây có thể làm bất cứ thứ gì chứ không bó buộc trong một loài hình sản phẩm cụ thể nào

Trước đây, anh Bằng cũng tạc tượng nhưng nhiều năm nay, cơ sở sản xuất của vợ chồng anh chủ yếu làm các đồ dùng hàng ngày như cối, chày, lư hương, bình bông, tranh đĩa…

Chia sẻ với PV, anh Bằng cho biết: "Làm nghề này, đứt tay, đứt chân là chuyện bình thường vì vậy bản thân người thợ phải cẩn thận để tự bảo vệ".

Bắt đầu vào nghề từ khi mới 19 tuổi, chị Trần Thị Xuân Mới (sinh 1982, trú phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) - vợ anh Bằng là một trong số ít những phụ nữ có thể mài tiện các sản phẩm đá mỹ nghệ.

Theo chị Trần Thị Xuân Mới, nghề điêu khắc đá là nghề vất vả và nguy hiểm

Theo chị Mới, công việc này vất vả và nguy hiểm hơn so với nghề khác, đặc biệt là đối với phụ nữ. Việc máy, đục va quẹt vào tay là chuyện bình thường. Làm nghề này ai cũng từng bị như vậy cả.

Để có thể hoàn thiện một cái cối đơn giản, người thợ phải trải qua 4 công đoạn: chắn, cắt, tiện và mài. Các sản phẩm hầu như được làm theo đơn đặt hàng.

Vì vậy, người thợ phải luôn cẩn thận để bảo vệ mình

Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covdi-19 nên xưởng sản xuất của chị cũng như các xưởng khác của làng nghề bị ảnh hưởng không ít.

"Các năm trước, mỗi tháng thu được 30 - 40 triệu đồng nhưng năm nay không tới 15 triệu đồng/tháng. Công nhân của xưởng cũng cho nghỉ, chỉ còn hai vợ chồng làm thôi", chị Mới nói.

Theo https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/nhoc-nhan-nghe-thoi-hon-vao-da-20210205194516422.htm